Bị hack tài khoản giống như đứng trước cửa nhà mà không mở được khóa. Đừng hoảng loạn, hãy bình tĩnh và thực hiện ngay 10 điều dưới đây.
Bạn đã bao giờ bị hack tài khoản? Nếu có thì chắc hẳn bạn cũng sẽ công nhận rằng khi phát hiện ra điều này bạn thấy thật kinh khủng. Tâm trạng bạn giống như khi đứng ngay trước cửa nhà mình mà không thể mở khóa để vào. Bạn không biết làm gì và cảm thấy hoảng loạn, lo lắng. Tuy nhiên, thay vì ngồi nhìn màn hình và cảm thấy rối bời, lời khuyên dành cho bạn là hãy hành động nhanh chóng nhất có thể để “dọn dẹp” hậu quả của việc bị hack tài khoản. Dưới đây là 10 điều bạn cần làm để giảm thiểu mọi “thiệt hại” có thể xảy ra khi tài khoản của bạn bị đánh cắp.
Đừng hoảng loạn!
Bạn hãy tự nhủ rằng mình không phải là người duy nhất “gặp nạn” với tài khoản cá nhân. Mỗi ngày trôi qua đều có rất nhiều người bị hack giống như bạn. Đây rõ ràng chẳng phải là điều dễ chịu chút nào nhưng cần nhớ rằng mọi việc sẽ sớm trở lại bình thường. Vì thế hãy trấn tĩnh lại, hít thở thật sâu và tin rằng mọi thứ đều có thể sửa chữa được.
Khôi phục lại tài khoản
Sau khi trấn tĩnh, đây là hành động bạn cần làm ngay lập tức để lấy lại tài khoản. Bạn có thể liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ tài khoản, như Google, Facebook hay Twitter… Tất cả đều có sẵn các mẫu và số điện thoại liên hệ để bạn giành lại “chủ quyền” với tài khoản cá nhân. Và đừng quên rằng bạn hành động càng sớm thì thiệt hại khi bị hack càng được giảm thiểu!
Thay đổi mật khẩu
Dưới đây là danh sách 9 mật khẩu tệ nhất mà bạn cần tránh
#1. 123456
#2. password
#3. 12345678
#4. qwerty
#5. abc123
#6. 123456789
#7. 111111
#8. 1234567
#9. iloveyou
Ngay khi bạn đã lấy lại được tài khoản, đừng quên thay đổi mật khẩu. Không bao giờ sử dụng lại mật khẩu cũ. Thay vào đó, hãy tạo một mật khẩu dài và khó hơn, bao gồm các ký tự cả chữ, số và biểu tượng và không dùng bất cứ từ nào tồn tại trong từ điển.
Các hacker thường đánh cắp tài khoản bằng phương thức “brute force” – một cách lấy cắp tài khoản bằng cách thử tất cả các chuỗi mật khẩu có thể cho đến khi “xâm nhập” được vào tài khoản của “nạn nhân”. Mặc dù nghe có vẻ như cách đánh cắp này tốn rất nhiều thời gian để “đoán và thử” nhưng thực tế thì nó lại luôn hiệu quả. Vì thế để tránh bị hack tài khoản bởi phương thức “brute force”, bạn cần một mật khẩu dài và khó, và tránh xa những mật khẩu có dạng một từ.
Cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra?
Phải chăng các hacker đã dò ra được mật khẩu của bạn? Hay chúng đã cài một phần mềm độc hại vào máy tính của bạn? Hãy xem kỹ lại lịch sử của máy tính để dò tìm ra đường dẫn độc hại cần loại bỏ.
Kiểm tra cài đặt
Trường hợp tài khoản email của bạn bị hack, hãy kiểm tra tab chuyển tiếp email để chắc chắn rằng hacker không tạo bất cứ một cài đặt nào nhằm mục đích để chúng nhận được các email cá nhân của bạn.
Thông báo cho mọi người cùng biết
Chắc chắn rằng các hacker muốn tìm kiếm thêm nhiều “nạn nhân” từ chính tài khoản của bạn. Vì thế, bạn cần thông báo cho những người có liên hệ thường xuyên với tài khoản của bạn về việc bị hack và để họ tránh xa các tin nhắn lạ được gửi bởi hacker khi họ “giả danh” là bạn.
Cập nhật mọi thứ
Nhiều khả năng các hacker đã giành được quyền truy cập thông qua chính thiết bị mà bạn sử dụng. Để tránh điều này xảy ra, đừng quên cập nhật tất cả các phần mềm của bạn.
Kiểm tra tất cả các tài khoản khác
Kiểm tra tất cả các tài khoản khác để chắc chắn rằng không còn tài khoản nào bị “xâm phạm”. Và đừng quên kiểm tra bất kỳ “hành tung” kỳ lạ nào của các tài khoản này nếu như xuất hiện những tin nhắn không phải do bạn gửi đi.
Ngắt kết nối các ứng dụng và các tài khoản có liên quan
Trong trường hợp bạn bị hack, hãy tắt các ứng dụng mở rộng của Chrome trong phần cài đặt. Kiểm tra lại các kết nối tài khoản khác: tài khoản Google của bạn có liên kết với một địa chỉ email khác, hay tài khoản Facebook của bạn có đường dẫn tới một tài khoản trung gian? Trong trường hợp có bất kỳ một trong các tài khoản trên bị hack, hãy ngắt kết nối với các tài khoản liên kết. Lý do là bởi một khi hacker đã xâm nhập được vào một tài khoản của bạn, chúng có thể dễ dàng lần theo kết nối và “đánh chiếm” các tài khoản liên quan.
Quét virus
Hãy tìm một chương trình diệt virus tốt (có thể là phần mềm miễn phí). Hành động này là cần thiết để ngăn chặn các phần mềm độc hại trên hệ thống phần mềm của bạn. Các chương trình như Avast hay Bitdefender đều được xem là những phần mềm bảo vệ tốt.
Chắc chắn rằng với 10 bước đơn giản trên, bạn sẽ hạn chế được tối đa “thiệt hại” từ tài khoản bị hack và ngăn chặn được những “vị khách không mời mà tới” cho máy tính, thiết bị cá nhân của bạn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét