Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

7 'không' giúp sinh viên năm cuối tránh thất nghiệp

Mỗi khi sinh viên ra trường và không tìm thấy việc làm, hầu hết chỉ biết ngẩng cổ lên để “chửi đời” và cho rằng cuộc đời mình thật bất công. Nhưng, có mấy ai tự nhìn lại chính bản thân mình để thừa nhận rằng… nguyên nhân một phần cũng do bởi chính bản thân mình.

Đặc biệt, đối với những bạn sinh viên sắp ra trường, cần phải nhìn thẳng vào thực tế và thực lực của chính bản thân mình để không bị ảo tưởng sức mạnh, hay tâm lý dựa dẫm “ô dù”… Nếu không, bạn chắc chắn sẽ bị đá khỏi thị trường công việc.


Sinh viên năm cuối sẽ phải đối mặt với nỗi lo thất nghiệp

Sau đây là 7 lời khuyên cho tất cả các bạn sinh viên năm cuối, chuẩn bị tốt nghiệp và tránh bị thất nghiệp.

Không ảo tưởng sức mạnh

Ảo tưởng sức mạnh rất dễ xảy ra với những sinh viên đang học ở những trường đại học top đầu trên cả nước.

Đặc biệt, sinh viên ở những ngôi trường có tiếng như Ngoại thương, Ngoại giao, Tài chính... thường cho rằng mình “hơn” nhiều bạn học ở những trường khác, vì vậy lúc nào cũng nghĩ mình có một tương lai tươi sáng, với mức lương cao ngất đang chờ đợi.

Hoặc, chỉ làm ở những nơi lương cao cho xứng với bằng đại học danh giá.

Nhưng, các bạn nên biết rằng, sau khi ra trường, cơ hội xin việc của mọi người là như nhau, mặc dù bạn sẽ được ưu tiên chút xíu thì cũng chẳng có cơ quan nào trả mức lương khủng với một sinh viên chưa có kinh nghiệm.

Vì vậy, hãy bớt ảo tưởng đi. Dù là 1 triệu, 2 triệu hay thậm chí là không công, thì các bạn cũng nên xông pha để học hỏi kinh nghiệm đã. Chẳng có cơ quan nào không chịu trả lương cao cho bạn nếu bạn giỏi cả.

Không lười biếng

Nhiều sinh viên tự cho rằng mình là sinh viên, mà đã là sinh viên thì chưa phải đi làm kiếm tiền. Chính vì vậy, nên suốt ngày chỉ quanh quẩn đầu giường đến giảng đường, rảnh rảnh đi chơi cùng hội bạn…

Sự thật là, nếu được chọn lựa giữa một sinh viên chỉ có kiến thức lý thuyết, và một sinh viên tay đầy vết chai do đi làm thêm, nhà tuyển dụng sẽ chọn sinh viên chăm chỉ làm thêm.

Có thể công việc cậu ta từng làm chẳng liên quan gì đến ngành được tuyển dụng, nhưng cậu ta vẫn được chọn, bởi ở cậu ta thấy được sự năng nổ, chăm chỉ, nhiệt huyết và không ngại thử thách.


Sinh viên năm cuối không được phép lười biếng

Không mơ mộng viển vông

Nhiều sinh viên dù chưa tốt nghiệp đã mơ mộng đến một công việc ổn định, lương cao. Nhưng bạn biết đấy, trong khi hàng trăm nghìn sinh viên đã ra trường và vẫn bị thất nghiệp thì bạn đừng mơ đến 2 chữ “ổn định” tức thời.

Chắc chắn là bạn sẽ “ổn định”, nhưng sẽ không phải là ngay khi vừa tốt nghiệp ra trường.

Chắc chắn là bạn sẽ “ổn định”, nếu bạn không quá mơ mộng và không dám đối diện với thử thách.

Chắc chắn là bạn sẽ “ổn định”, nếu bạn không mất quá nhiều thời gian chỉ để chờ đợi công việc tốt nhất.

Vì vậy, đừng mơ mộng viển vông nữa, ra trường, cứ có việc mà không phải ăn bám bố mẹ đã là hạnh phúc rồi.

Không tự tin thái quá

Trường hợp này thường gặp ở những sinh viên có tính tự tin hơn mức bình thường. Mặc dù chưa tốt nghiệp, nhưng luôn cho rằng mình có khả năng hơn người và người và mình chắc chắn sẽ được tuyển dụng ở một vị trí cao.

Tự tin là tốt, nhưng tự tin thái quá đến mức chém gió, chém bão khiến người khác tin xái cổ rồi lại chẳng làm gì nên hồn thì cũng sớm bị đào thải ngay lập tức.

Người đời nói, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng, do vậy, cần phải biết khiêm nhường, nhìn nhận vào thực tại để đánh giá chính xác mình là ai và ở đâu.


Cơ hội việc làm cho tất cả sinh viên là như nhau.

Không dựa dẫm vào các mối quan hệ

Điều này thường xảy ra đối với những gia đình có điều kiện và có quan hệ.

Ngay từ khi bắt đầu trở thành tân sinh viên, các bạn đã được hứa hẹn rằng: “Cứ học đi, ra trường ông/bà/cô/dì/chú/bác/anh/chị… xin việc cho!”. Chính vì tư tưởng sẽ có việc làm ổn định ngay sau khi ra trường nên các bạn cứ học nhởn nhơ như không.

Tâm lý đó sẽ tạo ra sức ỳ cho chính bản thân bạn, cứ tin tưởng vào một lời hứa xuông rồi để đánh mất tương lai của chính mình.

Vì nào các bạn có biết rằng, sau 4 năm các bạn ra trường thì các cô, dì, chú, bác đã từng hứa với bạn đã về hưu, hoặc luân chuyển công tác…

Trừ khi, bạn là cậu ấm cô chiêu của những tập đoàn kinh tế lớn, chỉ việc học và ra trường thế chân vào vị trí của bố mẹ để cai trị vương quốc gia đình.

Không yếu đuối, tự ti

Ngược lại với những bạn có tính tự tin thái quá, thì nhiều bạn lại luôn tỏ ra bi quan, tự ti vào tài năng và năng lực của bản thân.

Gặp một chút khó khăn đã sợ không làm được, gặp công việc khó sợ không dám làm… rồi chứ luôn miệng kêu rằng mình không biết có ai nhận mình hay không.

Chính tâm lý yếu đuối, tự ti sẽ làm giảm chí tiến thủ của bạn, và hệ quả là sẽ kéo bạn mãi mãi đi xuống mà thôi.

7. Không bảo thủ

Bảo thủ thường gặp ở những sinh viên có lòng tự trọng “to như con voi” và không có khả năng thích ứng nhanh với công việc.

Khi bạn còn là sinh viên, bạn có thể không quan tâm xem người khác có khó chịu với việc làm và hành động của bạn hay không, bạn có thể kiên quyết, bảo thủ giữ nguyên ý kiến của mình mà chẳng ai nói gì… vì thực chất nó chẳng ảnh hưởng đến ai.

Nhưng khi đã được nhận vào làm việc, ý kiến bảo thủ của bạn có thể gây thiệt hại lớn cho công ty. Và nếu chuyện đó xảy ra, bạn có thể bị đuổi ngay lập tức. Tất nhiên là sẽ không có công ty nào chịu nhận bạn sau đó.

Nếu bạn làm sai mà bị nhắc nhở thì hãy tiếp thu ý kiến đó để có thể rút kinh nghiệm. Kiên quyết với ý kiến của mình là tốt, nhưng cố chấp bảo vệ ý kiến sai lầm cũng là sai lầm.

Tóm lại, để tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường, chúng ta phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa để bản thân xuất sắc hơn, ưu tú hơn, kinh nghiệm hơn, mạnh mẽ hơn, lạc quan hơn… Nếu chẳng may bị thất nghiệp, đừng vội than trời, bởi có rất nhiều cơ hội khác để bạn lựa chọn. Chỉ là, bạn có dám không mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét