Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

“30 tuổi chưa tài - Yên tâm đi, chả bao giờ tài đâu”

Nhiều người sợ tuổi 30 mới chớm trưởng thành chưa đủ tài làm lãnh đạo, nhưng thực tế có những người thành danh không đợi tới tuổi 30, họ là ai?

Nhắm mắt mà nghĩ thoáng qua, cũng có thể đếm ra vô số nhân tài trên thế giới, có độ tuổi trên dưới 30 nhưng đã trở thành “sếp”, mặc dù, phần nhiều trong số họ là lãnh đạo các công ty tự thân lập ra. Hoành tráng nhất thì có Mark Zuckerberg với Facebook, hay ông chủ của Snapchat là Bobby Murphy và Evan Spiegel.

Bỗng nhiên cụm từ “lãnh đạo tuổi 30” khiến nhiều người Việt giật mình, vì đây là chuyện xưa nay hiếm, nhưng có thể mở ra nhiều tư duy mới có sự ưu ái và tin tưởng hơn dành cho thế hệ trẻ năng động, có khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng ngoại ngữ.

Trong lĩnh vực công nghệ, tài năng đã được thể hiện, trước khi người ta biết đến tuổi của họ và nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực này, hẳn các bạn sẽ tin rằng, những nhân vật này không mấy xa lạ.

Trương Đình Anh: 27 tuổi làm giám đốc tại FPT

Sinh năm 1970, Trương Đình Anh là một cái tên được nhắc nhiều với cái tên gắn với FPT, trước khi ông từ bỏ vị trí lãnh đạo tại tập đoàn này.

23 tuổi, Trương Đình Anh gia nhập FPT với mức lương 70 USD/tháng, năm 1997, khi mới 27 tuổi, ông trở thành giám đốc của Trung tâm Internet FPT và từng phát biểu ước mơ táo bạo: “trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”. Con đường sự nghiệp của Đình Anh thăng tiến nhanh chóng và đỉnh cao là chức CEO của FPT, trước khi ông từ giã sân chơi này.

Ông Trương Đình Anh là một trong những công thần của FPT

Hiện tại, dự định trở thành tỷ phú của Trương Đình Anh đã đạt được, tài năng của ông cũng không còn gì phải tranh luận, còn ước mơ trở thành Thủ tướng là một suy nghĩ lớn đáng trân trọng, không chỉ của Trương Đình Anh mà còn của bất kì người trẻ nào muốn phụng sự cho đất nước.

Trên Blog của ông Giang Công Thế - một chuyên gia tư vấn tại ngân hàng WB, ông đề cập đến việc đến FPT từ thủa còn sơ khai, ông đã từng đến FPT Internet tại Hà Hội để nhờ công ty kết nối đường truyền quốc tế cho văn phòng và bất ngờ trước thái độ quá thẳng thắn của một người trẻ mới 27 tuổi: “Giá cả do phía anh thôi. Muốn giá nào cũng Ok”.

Choáng váng vì phong cách của một chàng trai trẻ, ông Giang Công Thế tự nhiên sợ “bọn trẻ hay làm liều, không làm được cứ hứa đại” và chuyển sang một công ty viễn thông khác, mãi mới kí được cái hợp đồng sau bao nhiêu phiền toái, có một sự nuối tiếc vì lúc đó ông đã không chọn FPT Internet ngay từ đầu để thực hiện dịch vụ cho mình.

Không nhiều người biết, Trương Đình Anh và Nguyễn Thành Nam của FPT cũng là người đã khởi tạo ra mạng TTVN. TTVN chính là tiền thân của diễn đàn TTVNOL, một trong những diễn đàn mạng uy tín nhất mà những người biết sử dụng Internet tại Việt Nam có thể truy cập vào đầu những năm 2002. Mặc dù, nhắc đến TTVNOL phải kể đến công sức nhiều hơn của Vương Vũ Thắng với việc đẩy mạng TTVN từ Intranet lên Internet và đem diễn đàn đến cho mọi người.

Nói không ngoa, TTVNOL một thời đã ra mắt giống như là mô hình của... Facebook trong môi trường Việt Nam. Chính từ TTVNOL, những trang cộng đồng uy tín về Du lịch, Nhiếp ảnh, Xe, Chứng khoán... đã được tách ra từ các Box của diễn đàn này.

FPT giờ đây đã trở thành công ty tỷ USD và là một trong những công ty danh giá nhất Việt Nam và trong lịnh sử của tập đoàn này, Trương Đình Anh là cái tên không thể không nhắc đến.

Nguyễn Tử Quảng: Từ Bkis đến “bom tấn” BPhone

Là một nhân vật được nhiều người biết tên và cũng bị nhiều người “ghét” do những phát biểu của mình, nhưng ông Nguyễn Tử Quảng thật sự là một trong những nhân vật nổi bật, đã làm được rất nhiều điều khi mốc tuổi của mình chưa đạt đến... 30.

Sinh năm 1975 và là cựu sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1997, khi mới ra trường, Nguyễn Tử Quảng công bố công trình chống virus từ mạng Internet của Việt Nam với tên AV-Online. Tháng 12 năm 2001, Nguyễn Tử Quảng trở thành Giám đốc của Trung tâm Phần mềm và Giải pháp an ninh mạng (Bkis), khi đó Nguyễn Tử Quảng mới 26 tuổi.


Trưởng thành từ trường Đại học Bách Khoa, Nguyễn Tử Quảng là một CEO mang đầy cá tính


Là người luôn dành cho các sản phẩm của mình những lời khen đôi khi có phần hoa mỹ, đồng thời cũng chẳng ngán so với những sản phẩm nào khác trên thế giới trong cùng ngành hàng, Nguyễn Tử Quảng bị cộng đồng đặt cho cái biệt danh “Quảng Nổ”.

Tuy nhiên, hiện nay ông là CEO của Bkav có số lượng nhân viên lên tới hơn 1000 người, với các sản phẩm dịch vụ đa dạng từ an ninh mạng, Smarthome, bảo mật dành cho Mobile, các giải pháp về cải cách hành chính.

Mới đây, Bkav đã ra mắt điện thoại Bphone với phần cứng khá ấn tượng và gây ra nhiều tranh cãi. Hiện tại Bkav cũng đang hợp tác với nhiều cơ quan Nhà nước để triển khai các giải pháp về thủ tục hành chính.

Không thể phủ nhận được, cùng với những công ty như FPT, Bkav là một trong những công ty công nghệ nổi bật nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại, trong đó không thể không nhắc đến vai trò dẫn đầu của ông Nguyễn Tử Quảng.

Nguyễn Hà Đông: Cha đẻ của Flappy Bird

Không chỉ có tiền bối Trương Đình Anh, hậu bối cũng làm được những điều nhiều người thán phục, khi họ còn đứng ở độ tuổi mà ngay cả thế giới cũng lấy làm một trong những dấu mốc, đó là : “Under 30 – dưới 30 tuổi”.

Được xếp vào những gương mặt tiêu biểu “30 Under 30 – 30 lãnh đạo trẻ dưới tuổi 30” của Tạp chí Forbes Việt Nam, Nguyễn Hà Đông không đứng chụp chung trên trang bìa của tạp chí này, nhưng cái tên Hà Đông thì có lẽ là cái tên nổi tiếng nhất là làng công nghệ Việt Nam có thể có được ở trong nước và trên thế giới, cho đến thời điểm này.

Nổi tiếng với Flappy Bird nhưng bất ngờ bỏ cuộc chơi, Hà Đông (phải) khiến nhiều người tiếc nuối


Sinh năm 1985, năm nay Nguyễn Hà Đông mới vừa tròn 30. Tuy nhiên, sự nghiệp làm game của Hà Đông bắt đầu từ rất lâu, trước khi anh có Flappy Bird. Năm 2012, Hà Đông thành lập công ty của mình là GEARS Studios.

Game Flappy Bird được viết vỏn vẹn trong 2 tiếng, tồn tại trong 9 tháng năm 2014, có tới 50 triệu lượt tải, chủ nhân của nó lần lượt xuất hiện trên Forbes, Rolling Stone, Business Insider, CNN, BBC... và được sắp xếp có cuộc gặp riêng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Đông cũng nhận được lời khen gợi, động viên từ Phó Thủ tướng, đây là một sự quan tâm không phải ai cũng có được.

Chính Hà Đông cũng đồng ý rằng, Flappy Bird đã đem lại cho anh những khoản tiền không nhỏ, anh cũng chia sẻ về dự định mua một ngôi nhà và một chiếc Mini Cooper cho mình.

Tuy nhiên, cuối cùng Flappy Bird bất ngờ bị gỡ, không ai rõ đó là vì cá tính của Hà Đông hay vì áp lực cộng đồng mạng, chỉ biết nó là một câu chuyện đầy tiếc nuối, khi Hà Đông và cả Việt Nam mất đi một cơ hội hiếm hoi, để game Việt vang danh trên toàn thế giới.

Võ Thanh Quảng: Hiện tượng Haivl.com

Từ khi MySpace, Facebook, Twitter ra đời... một loạt mạng xã hội Việt với giao diện tiếng Việt cũng manh nha phát triển như go.vn, linkhay.... Tuy nhiên, nhìn vào các chỉ số tương tác như lượng chia sẻ, thích và bình luận, có lẽ Haivl.com đã đạt được nhiều thành công hơn.

Mặc dù rất âm thầm và bắt đầu nổi trên mạng Internet, với mô hình hoạt động khá giống với 9Gag.com, nhưng Haivl.com đã trở thành một địa chỉ ưa thích của cộng đồng mạng, nếu không nhắc đến nội dung bát nháo của nó.


Võ Thành Quảng được biết tới như "cha đẻ" của Haivl.com một thời đình đám


Người sáng lập và điều hành Haivl.com là Võ Thanh Quảng, sinh năm 1989 và là cựu sinh viên của trường Đại học FPT.

Thanh Quảng không phải là “tay mơ” và là một nhân vật khá kín tiếng. Quảng đạt giải nhì Lập trình sinh viên Quốc tế ACM/ICPPC khu vực Châu Á 2009.

Rời trường Đại học FPT với đồ án tốt nghiệp được đánh giá điểm tuyệt đối và từng có thời gian du học tại Anh, Quảng thành lập công ty CP Công nghệ APPL, sau đó cho ra mắt Haivl.com.

APPL nhận được giấy phép cung cấp mạng xã hội vào tháng 3/2013, đến khi bị thu hồi giấy phép vào tháng 10/2014, đồng nghĩa với việc phải khai tử Haivl.com.

Tính đến thời điểm 17/10/2014, Haivl.com có khoảng 2 triệu người dùng, 600.000 tài khoản sử dụng/ngày, mỗi ngày có 13.000 tin bài được thành viên đăng tải, số lượng lưu trữ 5 triệu nội dung tin bài.

Trước khi công ty APPL bị phạt 205 triệu đồng và buộc phải khai tử Haivl.com, Công ty Cổ phần Trực tuyến 24h từng có thương vụ trị giá tới 33 tỷ đồng để mua lại mạng xã hội này.

Có lẽ tài năng là điểm nhấn, nhưng “trẻ người, non dạ” lại là điểm mà Thanh Quảng cần để ý hơn, đặc biệt là trong môi trường phát triển của Việt Nam.

Mặc dù không đi được đến cuối với Haivl.com, nhưng có lẽ chẳng mấy ai phải lo lắng về tương lai của Võ Thanh Quảng.

Gọi vốn từ khắp thế giới khi chưa tròn 30 tuổi

Hoạt động tương tự với mô hình các trang đánh giá địa điểm nổi tiếng như Yelp, Foursquare, Trip Advisor... nhưng được tuỳ biến, phù hợp với người dùng Việt Nam hơn thì có thể nhắc đến Foody.vn.

Đặng Hoàng Minh vẫn đang là CEO của Foody.vn và vẫn đang lèo lái con thuyền này

Sáng lập viên và CEO của Foody.vn là Đặng Hoàng Minh, sinh năm 1984. Foody.vn ra mắt vào tháng 8/2012 trước khi có ứng dụng trên nền tàng iOS và Android.

Như vậy, tính đến ngày “con cưng” của mình ra đời, Đặng Hoàng Minh mới chỉ 28 tuổi.

Trong vòng 3 năm, Foody đã gọi vốn đầu tư được 4 lần, từ các nhà đầu tư mạo hiểm đa quốc gia như CyberAgent Ventures (Nhật Bản), Garena (Singapore) và Tiger Global Management (Mỹ). Mạng xã hội này cũng tuyên bố lấn sân sang Indonesia và vẫn chưa có ý định dừng lại bản đồ địa điểm của mình.

Theo thống kê trên Foody, hiện mạng xã hội này đã có trên 131 nghìn địa điểm, 38,6 triệu người dùng trong và ngoài nước, 354 nghìn lượt bình luận và gần 2 triệu ảnh chia sẻ.

CEO Đặng Hoàng Minh cũng đã từng thừa nhận rằng, mình đã có phần thiếu đi sự thành công trước đó với hai dự án là Vnnhahang.com và Orderfood.vn, tuy nhiên bằng tài năng và sự kiên trì, cùng những kinh nghiệm đã có được. Hiện tại, dường như Foody đang thu hút được rất nhiều điểm sáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét