Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Đừng trách người trẻ vô cảm, hãy trách xã hội quá thủ đoạn

Nhiều người hay bảo: 'Ôi giới trẻ bây giờ toàn lũ vô cảm chả có lòng thương người gì cả, thấy người già, trẻ nhỏ, hay người gặp tai nạn, ăn xin mà toàn trơ trơ ra thậm chí quay mặt đi chả buồn quan tâm'.

Tôi cảm thấy những lời buộc tội trên dường như quá nặng nề. Tôi nghĩ nhiều bạn trẻ làm như vậy cũng có lý do hết đó.

Ở thành phố này, khi ra đưòng rất hay gặp những cụ già, em nhỏ ăn xin, bán vé số thậm chí là những vụ cãi lộn, nhưng tôi thường bỏ đi qua luôn. Lúc đó, tôi cũng suy nghĩ thật tội cho họ, mình có nên giúp họ không nhỉ, tuy nhiên tôi lại sực nhớ tới những bài báo, những câu chuyện lừa lọc ở thành phố này. Nhiều video ghi lại trò lừa đảo tinh vi, dựa vào tuổi tác để lừa những người có lòng thương, rồi dàn cảnh cướp xe, cướp tài sản. Tôi thấy sợ. Tôi nghĩ rất nhiều bạn trẻ đều có suy nghĩ như vậy nên mới bỏ đi.

Lúc trước, khi mới đến thành phố này học tập, tôi nghe mọi người dặn dò nhớ cẩn thận đừng để người ta lừa, đã không có tiền lỡ bị lừa thì biết sống sao. Tôi nghe thì nghe vậy nhưng đi đâu ai hỏi gì cũng trả lời hết, giúp đỡ người này người kia dù chả quen biết gì. Gặp mấy cụ già ăn xin tôi cũng cho họ đôi ba đồng dù chẳng có nhiều tiền. Tôi thấy họ thật tội, già cả còn phải ra đường ngồi như thế này.
Ảnh minh họa.

Một ngày, đứa bạn thân cùng phòng tôi đi học nhóm. Khi đi bộ trong hẻm để đến ký túc xá của nhỏ bạn học chung, gặp một người hỏi đường, nó chỉ rồi không biết gì nữa. Khi đến ký túc xá, nhỏ bạn hỏi "mày qua học mà đi người không à" nó mới chợt tỉnh thì thấy cái balô vốn đang đeo đã không còn trên người từ lúc nào. Nó vội vàng chạy tới công an trình báo, về nhà lúc 1h sáng với bộ dạng ngơ ngơ ngẩn ngẩn rồi òa khóc kêu "tao mất hết rồi". Hôm sau, công an gọi điện cho nó đến để nhận diện đồ, nhưng tiền, laptop, điện thoại thì đã mất hết, chỉ còn ba lô vứt cách đó mấy trăm mét.

Lúc đó, tôi mới bắt đầu thấy sợ. Nhưng thói quen vẫn là thói quen, ai hỏi tôi vẫn trả lời. Rồi tôi đọc được những bài báo rằng ăn xin ở thành phố đều có bảo kê, thậm chí có lò đào tạo thanh niên khỏe mạnh thành những kẻ tàn tật. Tôi bắt đầu cảnh giác hơn khi nghe tin về những vụ dàn cảnh cướp tiền cướp xe. Một đứa xa nhà, hoàn cảnh không tốt, cả nhà gom góp sắm cho con xe, cái laptop để đi học đi làm, lỡ bị lừa thì biết kêu ai.

Có lẽ vì những điều đó nên nhiều người sợ không dám giúp nữa. Thực sự trong thâm tâm họ không thấy thoải mái đâu, họ cũng bị dằn vặt đấy nhưng họ cần cảnh giác để bảo vệ những tài sản mà gia đình họ phải chắt chiu mới có được. Không nên trách họ mà nên trách xã hội hiện nay quá nhiều thủ đoạn, lừa lọc làm con người mất đi niềm tin và tình thương.

Phương Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét