Cụ thể, trong phần đọc hiểu (2 điểm) của đề thi trích dẫn 1 đoạn trong bài văn của nhà văn Đoàn Lê Công Huy:
'Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là hai vật thể tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa. Để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm nào phải chết vì thiếu lửa?
Nước Việt hình chữ 'S', hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun, con rắn. Không có lửa làm gì có 'nồng' nàn, 'nhiệt' tâm! Làm gì có 'sốt' sắng, 'nhiệt' tình, đuối tuệ! Làm gì còn 'nhiệt' huyết, 'cháy' bỏng! Sẽ đâu rồi 'lửa' yêu thương? Việc mẹ cha, việc nhà, việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ?
Không có lửa em lấy gì 'hun' đúc ý chí, 'nấu' sử sôi kinh? Em... sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ.... Cho nên: Biết ủ lửa để giữ nhân cách - người, nhân cách - Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa làm sao thành mùa xuân?'.
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích (0,25 điểm)
Câu 2: Trong đoạn trích trên tác giả sử dụng thao tác lập luận nào (0,25 điểm)
Câu 3: Nêu nội dung chính của đoạn trích (0,5 điểm)
Câu 4: Viết 1 đoạn văn ngắn (khoảng 5 - 7 dòng) thể hiện sự cần thiết của việc 'nuôi lửa' ở lứa tuổi học sinh (1 điểm).
Đề Văn được đăng lên mạng xã hội chưa lâu nhưng đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt và nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Đọc xong đề thi nay, nhiều độc giả đã bị 'đứng hình' vì cho rằng: càng đọc càng... chẳng hiểu gì?
Đề thi gây 'bão'
Bạn đọc có nickname Tran Ngoc bày tỏ: 'Tôi đã đọc chậm từng câu, cố gắng hết sức để hiểu. Nhưng không hiểu được gì cả. Chẳng lẽ trình độ chữ quốc ngữ của tôi kém như vậy sao? Chia buồn với các em học sinh phải làm bài thi này'.
Bạn đọc Nguyễn Phương đặt câu hỏi: 'Tại sao lại có thể ghép nhưng câu đơn vừa không rõ nghĩa vừa không có liên quan gì đến nhau cạnh nhau như 'Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn?'
Đọc đến đoạn: 'Nước Việt hình chữ S, hiện thân của số nhiều' thì đúng là không hiểu tác giả tư duy kiểu gì luôn. Những câu trong đoạn văn này nếu cho học sinh tiểu học phân tích ngữ pháp thì còn tạm, chứ dùng để phân tích ngữ nghĩa, logic thì quả là 'đại nạn của tiếng Việt'...'.
Bạn đọc Hoàng Linh phải thốt lên: 'Điên vì... đề thi. Tôi đã chính thức bị rối loạn tiền đình sau khi đọc đề thi này! Chỉ với 90 phút học sinh đủ để đọc để hiểu đoạn văn nói gì cũng quá... hại não rồi'.
Nói về đề Văn 'hại não' này, thầy Nguyễn Văn Cường, giáo viên dạy Văn tại TP Thái Bình cho biết, đề thi này đúng là 'đánh đố' học sinh.
'Mình là giáo viên mà đọc đi đọc lại mới hiểu nội dung trích đoạn thì với học sinh, nhất là học sinh trung bình và dưới trung bình sẽ khó trả lời được câu 3 và câu 4. Các câu hỏi thực ra không khó nhưng khó ở chính trích dẫn.
Người viết dùng một tập hợp từ khó hiểu, nói chính xác là ngôn ngữ cao siêu buộc học sinh phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu. Trong khi đó, nguyên tắc ra đề là giáo viên không được đánh đố học sinh.
Với phần 1, phần đọc hiểu để cứu điểm, cứ mỗi câu học sinh chỉ được 1 phút để vừa suy nghĩ, vừa trả lời, vừa chép vào bài thì đề này học sinh không làm được' - thầy giáo này cho hay.
Thầy Cường nói thêm, nội dung của đề này nói về việc truyền lửa tức là truyền lòng nhiệt huyết. Tuy nhiên, với ngôn ngữ ẩn dụ và so sánh cách hình ảnh đôi khi không liên quan với nhau khiến cho học sinh khó hiểu.
'Đề này chỉ phù hợp với đối tượng học sinh chuyên Văn và học sinh giỏi, những người đọc nhiều, quen với lối dùng đa nghĩa trong văn học mới có thể hiểu được nhanh điều tác giả muốn nói. Còn dùng trong đề thi học kỳ cho tất cả học sinh là quá sức' - thầy Cường nói.
Theo Tùng Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét